Ngày 6: Cuộc gặp gỡ

Mình đang lạnh cóng cả người đây. Đôi tay của mình dường như đang bị lạnh cước. Đúng là liều lĩnh. Lạnh đến mức không thể chịu nổi, rát quá.

Hôm nay sẽ là một ngày rất dài. Phía trước mình là tuyến đường Rv15 đi xuyên núi, dốc 6%, dài 26 km và cao khoảng 900m so với mực nước biển. Đó là tất cả thông tin mà mình có được. Phải dắt bộ liên tục suốt chặng đường này, mệt rũ rượi. Lương thực đã hết, pin cũng sắp cạn, mình cần tìm một nơi để tá túc cho đêm nay. Nhưng mình đang lang bạc ở chốn nào đây. Mình không biết. Xung quanh không một bóng người, chỉ toàn là màu trắng của tuyết. Trông chả khác gì sa mạc. Thi thoảng, vẫn có vài chiếc xe ô tô chạy trên đường, nên mình cũng cảm thấy an tâm phần nào.

Đứng trước lối đi Geiranger bị chặn vì sạt lở và biển báo cấm người đi xe đạp đi vào hầm qua Stryn. Cảm giác tuyệt vọng khi đi vào bế tắc, phải làm sao đây, không lẽ quay đầu trở lại. Điện thoại sắp cụp pin, 10% và không có tín hiệu để tra cứu. Đứng trước tình huống không hiểu con người ta dễ lâm vào sự sợ hãi.

Không thể bỏ cuộc, chỉ có cách duy nhất là tiến về phía trước, không còn lựa chọn khác. Mình đánh liều và chuẩn bị tinh thần để băng qua hầm. Bật đèn xe đạp, giữ vững tay lái và đi sát lề phải. Mình cứ thế trượt theo đường hầm để ra ngoài. Thoạt đầu mình nghĩ đó chỉ là một đoạn đường hầm duy nhất nhưng không, đó là 3 đoạn đứt quãng nối tiếp nhau. Hầm Oppljos 4.6 km, rồi đến hầm Grasdal 3.7 km và cuối cùng là hầm Ospeli 2.5 km.

Ở trong đường hầm, tiếng xe ô tô chạy dội lên vách tường, nghe vang rền như tiếng sấm, rất đáng sợ. Lạnh, đôi tay của mình dường như đã bị tê cứng hết rồi, dây thần kinh của mình phải căng lên để giữ vững tay lái, quán tính nhanh quá, mình phải cẩn thận. Mình cứ thế trượt dài xuống núi, không biết phía trước là gì. Ánh sáng cuối đường hầm là một trong những khoảnh khắc mà mình khó quên nhất. Cảm giác nhẽ nhõm hẳn ra khi thấy được đích đến.

Trượt dốc không phanh ba hang rồng

Nghĩ lại lạnh mình ba đốt sống

Nhận ra trước mắt là núi sông

Có cả thác nước và cầu vồng

(Võ Phạm Danh)

5:11 giờ chiều, đồi núi trập trùng, có cả núi tuyết, cung đường đèo uốn lượn quanh co, suối nước chảy, nắng lên và cầu vồng. Cảnh tượng hùng vì trước mắt mở ra như là phần thưởng cho người lữ hành khi vượt qua khó khăn, nguy hiểm để đặt chân bước đến nơi đây. Nơi này đẹp quá!

Điện thoại mình còn 2% pin, kết nối với drone mình vẫn có thể chụp được một vài tấm hình làm kỷ niệm. Cuối cùng điện thoại mình cũng đã tắt nguồn. Mình phải đi xuống làng tìm kiếm sự giúp đỡ.

7:29 tối, thật may mắn khi mình gặp được chị Åse Berge. Chị Åse đang chất củi vào trong nhà kho thì mình dừng lại hỏi xem có thể sạc pin điện thoại một tí được không. Chị rất nhiệt tình mời mình vào nhà uống nước và cho mình sạc ké. Căn nhà nhỏ trông rất ấm cúng với nội thất thiết kế có tông màu trắng làm chủ đạo. Chú chó Kiti có vẻ mặt hơi buồn khi chị Åse phải đi gặp bạn bè và để em ở nhà. Kiti là giống chó chăn cừu Shetland với bộ lông dày và óng mượt màu nâu đỏ.

Trong lúc chờ sạc pin, mình giúp chị Åse chất củi và tán gẫu một số chuyện.

Mình kể cho chị Åse về trải nghiệm vượt đường hầm vừa rồi. Chị nói, mày cũng có máu liều đó, ngày xưa trước khi xây dựng xong đường hầm này, chị cũng phải đi bộ rất vất quả để vượt qua dãy núi đó nhưng bằng đường vòng phía ngoài, xa hơn nhiều. Chị Åse làm nghiên cứu sinh lý học về cá ở Bergen. Hôm nay là cuối tuần chị mới về nhà. Từ đây đi Bergen mất khoảng 5 tiếng rưỡi lái xe.

Na-uy được biết đến với nguồn cá hồi phong phú. Nhiều người đến đây, mở quán bán Sushi thôi cũng đã giàu lên rồi. Ai lại không thích Sushi cơ chứ :). Nhờ có hệ thống sông nước ngọt phong phú và các hồ nước sâu, là môi trường lý tưởng cho cá hồi sinh sống và phát triển.

Chị Åse có 7 người anh chị em. Chị Åse cảm thấy khá may mắn vì trong nhà cần gì đã có mấy anh em giúp đỡ. Có người làm nghề xây dựng, có người làm thợ điện, một người làm trang trại, một người làm nghề đốn gỗ, một chị làm họa sĩ và một người em gái làm giảng viên ở Đức. Mình cũng thích kiểu sống như vậy, anh chị em quây quần sống cạnh nhau, có gì tiện giúp đỡ qua lại. Số củi dữ trữ cho mùa đông này chính nhờ người anh làm nghề đốn gỗ mang về cho. Và bây giờ chị cần chất chúng vào nhà kho để khi mùa đông đến lấy ra đốt sưởi.

8:00 tối, chị Åse mời mình ăn pizza và gặp gỡ bạn bè của chị. Mọi người trong làng thường hay đến đây tụ hội và tán gẫu vào cuối tuần. Đó là một cơ hội tốt để những người trong làng có thể gặp gỡ nhau. Mình gặp chị Lytta và gia đình chị, đứa con trai của chị tên Lucas, thằng nhóc chơi cờ búng thua mình nên còn cay lắm đây :))). Mình bày nó chơi đá gà bằng tay và nó cũng thua nốt. Mới còn nhỏ thôi mà nó đã có thể nói tiếng Anh rất thạo, bên cạnh tiếng Na-uy là ngôn ngữ chính.

Sylva con gái chị Åse, nhỏ hơn mình một tuổi. Đang làm công việc hè tại một nhà hàng khách sạn gần đó. Và chuẩn bị nhập học đại học. Ở đây, con cái sau khi học hết cấp 3 sẽ có khoảng thời gian nghỉ một hai năm gọi là Gap year để đi du lịch hay làm gì đó, trong lúc tìm ra lĩnh vực mà mình thực sự yêu thích trước khi học tiếp. Mình thấy cách làm như vậy rất hay, vì học xong cấp 3, mình cá phần lớn mọi người cũng chẳng biết tương lai mình thực sự thích ngành nghề gì.

Mình đã gặp người chị gái làm họa sĩ của chị Åse, trông khá lập dị với cách ăn mặt, đi đứng và nói chuyện. Mình có chơi một ván cờ vua với chị. Chị bảo chị thích ngày xưa hơn, khi mà quán này còn chưa mở rộng, không gian ấm cúng hơn nhiều, mọi người đến đông hơn và những cuộc nói chuyện thâu đêm.

10 giờ tối, cũng đã muộn, mình tạm biệt mọi người và về cabin nghỉ ngơi. Tối nay mình phải ngủ đàng quàng một bữa, sạc đầy pin.

Previous
Previous

Ngày 7: Nơi này đẹp quá 1

Next
Next

Ngày 5: Cứ đi sẽ đến