Ngày 20: Skagen - hai đại dương gặp nhau hai màu nước

“Rất khó để thay đổi nhận thức của người khác. Cũng giống như là không thể truyền đạt cho người khác cảm giác về một thứ mà không cho họ tự cảm nhận lấy.”

Hôm nay mình sẽ thảo luận về những dòng suy nghĩ, đang bị mắc kẹt trong tâm trí của mình từ những ngày trước. Bạn biết đó, khi con người ta nảy ra một vấn đề gì đó cần giải quyết bằng suy nghĩ, cảm giác giống như việc khám phá một chiếc răng bị mất. Bạn không thể để nó yên, bạn phải chọc ngoáy nó, thăm dò nó, đẩy nó, nghĩ về nó bởi vì nó sẽ không rời khỏi tâm trí của bạn cho tới khi khoảng trống đó được lấp đầy.

Một số nơi bị Chúa quên lãng.

Nhìn thấy những đứa trẻ bên này được nâng niu như những thiên thần, được chơi những trò chơi trẻ em, được lớn lên trong nền giáo dục tiên tiến và miễn phí, tương lai với nhiều cơ hội rộng mở, mình lại thương nhớ về mùa hè xanh 2019 ở Mang Yang, Gia Lai của mình. Những trẻ năm ấy cũng như mình hồi nhỏ, nhìn chung là nghèo. Cái chung lớn nhất là cái thèm, mặc dù không còn đói như thế hệ trước, nhưng cái thèm thì nhiều lắm.

Thời gian ở trên này dường như chậm hơn ở dưới xuôi gần hai thập kỷ, chứ chưa nói đến thành phố. Cả làng dùng chung một cái giếng trời, mọi sinh hoạt đều phải ra đó, mấy con lợn ỉn ục ịch dẫn con đi khắp nơi tìm cơm thừa. Sạp tạp hóa trên đó vẫn còn bán gói mì tôm trẻ em 500 đồng, cái kẹo cao su có hình con vẹt, cái kẹo mút có đầu hình Tôn Ngộ Không, loại kem que đủ màu sắc, gói kẹo dẻo chip chip, bim bim cua,… nhìn thấy chúng ký ức tuổi thơ mình lại ùa về.

Năm đó tụi mình dùng tiền người ta quyên góp mua bánh kẹo, làm lồng đèn để đến Trung Thu đưa các em đi rước đèn. Nhìn thấy ánh mắt những đứa trẻ thơ ấy sáng lên long lanh, hạnh phúc, hiền hòa, cười đùa vui vẻ trong không khí rộn ràng của lễ hội, tụi mình vui cảm thấy vui sướng vì đã làm được những điều ý nghĩa, tuy là nhỏ bé. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Trong một vòng tròn tập thể, ý nghĩa của việc đặt tay trái lên trên tay phải  tượng trưng cho việc đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo thường phải ra đời sớm, lao động giúp đỡ cha mẹ, đó là điều quen thuộc ở những vùng quê khó khăn. Thế nhưng, điều khiến mình xót xa hơn cả là khi các em bị bỏ lỡ cơ hội học tập chỉ vì gia đình không đủ tiền. Một số em may mắn được học đến lớp 2, lớp 3, có em hoàn thành tiểu học, còn số ít thì học đến trung học, biết đọc con chữ, biết làm phép tính.

Khi lớn lên, mình mới thực sự thấm thía câu nói "Ngước lên mình không bằng ai, ngước xuống không ai bằng mình". Thế giới này vận hành như thế, luôn có người ở vị trí cao hơn và cũng luôn có người ở vị trí thấp hơn. Và trong hoàn cảnh đó, mình học được sự biết ơn sâu sắc. Khi cha mẹ của bạn không giàu có nhưng vẫn cho bạn những gì tốt nhất có thể, hãy biết hơn những gì họ đã hy sinh. Nhất định phải giàu các bạn nhé, không những giàu có về tài sản mà còn giàu tình yêu thương.

Tiền học phí của các em được đổi bằng việc bán bò, bán heo. Ở những vùng quê còn nghèo khó, nơi mà sự đầy đủ vật chất là điều xa xỉ, những thứ tưởng chừng đơn giản như việc đi học lại trở thành gánh nặng lớn lao. Tài sản lớn nhất trong nhà của các em có thể là vài con bò, vài con heo trong sân nhà, mà chính các em đã chăm sóc, yêu thương từ nhỏ. Nó không chỉ là vật nuôi, mà còn là từng kỷ niệm của tuổi thơ, từ những ngày dậy sớm cho chúng ăn, tắm rửa, vui giỡn, nhìn chúng lớn lên.

Nhưng tâm hồn trong sáng của trẻ thơ làm sao hiểu hết được nỗi lo toan của người lớn. Khi cha mẹ phải bán đi những con bò, con heo ấy để có tiền đóng học phí, các em cảm thấy buồn bã, ủ rũ, nhìn từng con vật thân thương rời đi mà không thể làm gì. Có lẽ trong ánh mắt trẻ thơ, chúng chẳng hiểu tại sao những "người bạn" của mình lại bị đưa đi, chỉ cảm nhận được sự mất mát và trống vắng. Cha mẹ luôn mong con cái mình "ráng học" để có được con chữ, để sau này đổi đời. Những đứa trẻ cũng mang trong mình niềm hy vọng đó, dù có thể chưa hiểu hết.

Thật ra Chúa không bỏ rơi bất cứ nơi nào. Sau khi tạo dựng ra thế giới, Chúa đã ban cho loài người tình yêu thương, khả năng tự chủ, tự do ý chí và trách nhiệm với cuộc sống của mình. Chúa không trực tiếp can thiệp vào từng chuyện hàng ngày ở dưới trần gian, Ngài cũng bận rộn chứ. Thay vào đó trách nhiệm là ở chúng ta, học cách yêu thương, tạo ra hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho những người xung quanh. Góp phần làm cho một góc nhỏ trên Trái Đất nơi chúng ta sống trở nên tốt đẹp hơn.

Ở cực Bắc của Đan Mạch, có một nơi rất đặc biệt, mũi Grenen, nơi hai biển – Biển Bắc và Biển Baltic – gặp nhau hai màu nước nhưng không hòa trộn, tạo nên một đường ranh giới giữa màu xanh đậm và xanh nhạt. Hôm nay, mình theo chân những người bạn Việt Nam đến đây trong những ngày cuối trước khi mình rời Đan Mạch.

Gặp rồi chia ly, hợp rồi lại tan. Có một số người chúng ta sẽ nói lời tạm biệt, cũng có một số người chúng ta sẽ nói hẹn gặp lại. Mình cũng thắc mắc nhiều vì nhân duyên gì mà con người gặp gỡ nhau. Gặp nhau rồi giờ lại chia xa, bao tâm sự còn đang dang dở.

Cuộc sống này là vô thường.

“Let me be to someone else what no one was to me”.

"Hãy để tôi trở thành người đặc biệt đối với ai đó, như cách không ai từng là đối với tôi”.

Previous
Previous

Ngày 21: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Next
Next

Ngày 19: Đường về nhà